THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Ngày: 14/3/2011
Thuyết trình:
BÀN VỀ TINH THẦN ĐẠI HỌC
Diễn giả: Bùi Trân Phượng, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Xuân Xanh, Đoàn Lê Giang
Thời gian: 13h30 – 16h30, thứ Ba, 22 tháng 3 năm 2011
Địa điểm: Đại học KHXH&NV Tp. HCM, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Thứ Ba, ngày 22/03/2011 (hồi 13h30), nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Xanh, Bùi Văn Nam Sơn, Đoàn Lê Giang và Bùi Trân Phượng thuyết trình về chủ đề : Bàn về Tinh thần Đại học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh. Buổi thuyết trình nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 85 năm ngày mất của Phan Châu Trinh; Lễ trao các giải thưởng năm 2010 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đồng thời ra mắt cuốn Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010): Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam, NXB Tri thức 2011. Chương trình do Nhà xuất bản Tri thức, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh phối hợp tổ chức.
Đại học Humboldt (Berlin, Đức): Bà Mẹ của đại học hiện đại thế giới; đại học của lí trí, khai minh theo tinh thần Immanuel Kant hoà lẫn tinh thần nhân văn của chủ nghĩa (tân) nhân văn Đức. Nói đến đại học hiện đại, cộng đồng học giả thế giới không thể không nghĩ đến cái tên Wilhelm von Humboldt (1767-1835) - nhà cải cách đại học và giáo dục của Phổ thế kỷ thứ 19, và những nguyên lí của ông đặt ra cho Đại học Berlin được thành lập năm 1810 trong tinh thần khai phóng và khoa học để giải phóng sự kìm hãm và trì trệ trí thức của nước Phổ ở thế kỷ thứ 18. Đó là đại học của khoa học, của nghiên cứu, của sự kết hợp giảng dạy và nghiên cứu, của tự do giảng dạy và nghiên cứu, và tự do học, mà mục đích tối thượng là đi tìm chân lí mà không có sự can thiệp của nhà nước. Nó nhằm phát triển con người một cách toàn diện, phát triển khoa học là “cái mà mãi mãi phải đi tìm” như Humboldt quan niệm về chân lí. Đại học Berlin là niềm mơ ước giải phóng và phát triển toàn diện con người của giới tinh hoa Đức. Cần phải giải phóng con người mới xây dựng được quốc gia; cần phải có những nhân cách khoa học mạnh, mới có một quốc gia mạnh.
Hơn hai trăm năm qua, nhưng tinh thần ấy còn nguyên giá trị, đúng như Gerhard Casper, lúc còn là Chủ tịch Đại học Stanford, phát biểu năm 1998 rằng, văn kiện triết lí của Đại học Humboldt Về Tinh thần và Hình thức tổ chức của các Thể chế khoa học cao ở Berlin, “có lẽ chứa đựng những ý nghĩ súc tích nhất chưa hề được viết về đại học như một thể chế. Các ý nghĩ này không hề mất đi tầm quan trọng của chúng, mặc cho các thay đổi trong khái niệm tính uyên bác và trong những vấn đề mà các đại học đã trải nghiệm hơn hai thế kỷ qua.”
Đại học là chìa khóa của sự chấn hưng quốc gia, của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc gia. Nhưng đại học Việt Nam chưa được trao sứ mệnh thiêng liêng này. Kỷ niệm 200 năm đại học Humboldt (1810 – 2010), ra mắt Kỷ yếu Humboldt, NXB Tri thức 2011; Kỷ niệm 85 năm ngày mất của nhà khai sáng Phan Châu Trinh, trong khuôn khổ các hoạt động xung quanh Lễ trao các giải Văn hóa Phan Châu Trinh được tổ chức ngày 24/3/2011, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. HCM và Nhà xuất bản Tri thức đồng tổ chức buổi thuyết trình:
BÀN VỀ TINH THẦN ĐẠI HỌC
nhằm bàn lại về tinh thần đáng có/cần có của đại học ngày nay.
Buổi thuyết trình có sự tham dự của:
· nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Xanh, với tham luận: Tìm lại nguồn gốc Đại học;
· nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, với tham luận: Lí tưởng Đại học Humboldt – Mô hình hay huyền thoại;
· TS. Bùi Trân Phượng, với tham luận: Xây dựng đại học Việt Nam, nỗ lực từ bên dưới;
· PGS., TS. Đoàn Lê Giang, với tham luận: Nghĩ về tinh thần đại học khoa học xã hội và nhân văn.
Buổi thuyết trình có sự tham dự của hàng trăm sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh cùng các trường đại học trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, và sự tham dự của những nhà văn hóa, nhà nghiên cứu có uy tín về học thuật cũng như về hoạt động xã hội của Việt Nam hiện nay.
Chúng tôi xin cám ơn Đại học Hoa Sen, Viện Goethe Tp. Hồ Chí Minh, Quỹ châu Á đã hỗ trợ chúng tôi xuất bản Kỷ yếu Humboldt (1810 – 2010), NXB Tri thức 2011.
*****
Thông tin về diễn giả:
Đoàn Lê Giang: PGS, TS., trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. HCM. Email:doanlegiang@yahoo.com
Bùi Trân Phượng: Tiến sĩ Sử học; hiện là Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen Tp. Hồ Chí Minh. Email: btphuong@hoasen.edu.vn
Bùi Văn Nam Sơn: Tiến sĩ Triết học, làm nghiên cứu và giảng dạy triết học tại Đức trước khi về nước. Ông là học trò của hai nhà triết học hàng đầu thế giới còn sống hiện nay là Karl Otto Apel và Habermas. Các tác phẩm triết học và khoa học xã hội do ông hiệu đính, chú giải hoặc viết lời giới thiệu được giới học thuật đánh giá rất cao. Email: buivannamson@gmail.com.
Nguyễn Xuân Xanh: Tiến sĩ habil ngành toán xác suất, làm nghiên cứu và dạy học tại Đại học Bielefeld và Đại học kỹ thuật Berlin trước khi về nước sống từ mười mấy năm nay. Ông luôn dành mối quan tâm sâu sắc tới các vấn đề của đất nước, đặc biệt là thực trạng giáo dục. Email: diemxanh@yahoo.com.
Thông tin về đơn vị tổ chức:
Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, tiền thân là Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh, được thành lập tháng 01 năm 2007. Việc đổi tên thành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2008 đánh dấu sự mở rộng các hoạt động của Quỹ. Bên cạnh chương trình tài trợ và hỗ trợ dịch thuật các tác phẩm thuộc dự án Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới, Quỹ có nhiều hoạt động văn hóa khác, đặc biệt là việc khuyến khích, tôn vinh các công trình nghiên cứu văn hóa đặc sắc; tổ chức đào tạo và phổ biến các giá trị văn hóa Việt Nam và thế giới. Hiện nay Quỹ trao các giải thưởng “Giáo dục”, “Dịch thuật”, “Việt Nam học” và giải "Nghiên cứu" cho các nhà hoạt động giáo dục, nhà khoa học, dịch giả trong và ngoài nước.
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh có lịch sử trên 50 năm với tiền thân là Trường Đại học Văn khoa, thuộc Viện Đại học Sài Gòn, thành lập năm 1957. Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 10/1975, Trường Đại học Văn khoa có nhiều thay đổi về mục tiêu, chương trình và nội dung đào tạo. Tháng 4/1977 Trường Đại học Văn khoa hợp nhất với Trường Đại học Khoa học thành Trường Đại học Tổng hợp Tp.HCM, trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản lớn nhất ở các tỉnh phía Nam. Ngày 30/3/1996, ĐH KHXH&NV được thành lập trên cơ sở tách ra từ Trường Đại học Tổng hợp Tp.HCM và là một trong những trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Tp.HCM (ĐH QG Tp.HCM) gồm: ĐH KHXH&NV, ĐHKH Tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ Thông tin, Khoa Kinh tế, Viện Tài nguyên và Môi trường, và các trung tâm. Website: www.hcmussh.edu.vn Nhà xuất bản Tri thức được thành lập tháng 9 năm 2005, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, là đơn vị đi đầu trong việc khởi xướng và tổ chức dịch, xuất bản có hệ thống những tác phẩm tinh hoa của tri thức nhân loại. Với tôn chỉ: “Cung cấp những tri thức nền quan trọng nhất trong kho tàng tri thức của nhân loại [...]”, Nhà xuất bản Tri thức không chỉ là một Nhà xuất bản tham chiếu trong việc phổ biến các trào lưu tư tưởng lớn, cổ điển lẫn hiện đại, mà còn là một diễn đàn và địa chỉ có uy tín của các học giả, nhà nghiên cứu, sinh viên và độc giả Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Website: www.nxbtrithuc.com.vn ------------
Chương trình
BÀN VỀ TINH THẦN ĐẠI HỌC
13h30 – 16h30, thứ Ba, 22 tháng 3 năm 2011
Hội trường D - Trường Đại học KHXH&NV Tp. HCM,
Số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Diễn giả: Bùi Trân Phượng, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Xuân Xanh, Đoàn Lê Giang
Đơn vị tổ chức:
Đại học KHXH&NV Tp. HCM, Nhà xuất bản Tri thức & Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh
Thời gian | Nội dung Chương trình
|
13:30 – 13:45 | Đón tiếp: Ghi danh và phát tài liệu; trưng bày, giới thiệu sách.
|
13:45 – 14:00 | Khai mạc: TS. Nguyễn Khắc Cảnh – Phó Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV Tp.HCM tuyên bố lí do, giới thiệu về chương trình, về Nhóm các nhà tổ chức.
|
14:00 – 14:15 | Đại diện NXB Tri thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh – Ông Chu Hảo giới thiệu chi tiết về các hoạt động của NXB Tri thức (việc tổ chức xuất bản Kỷ yếu Humboldt), về Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, hệ thống giải thưởng năm 2010.
|
14:15 – 14:30 | TS. Bùi Trân Phượng dẫn chương trình, giới thiệu các diễn giả và tham luận.
|
14:30 – 14:45 | TSKH. Nguyễn Xuân Xanh: Tìm lại nguồn gốc đại học.
|
14:45 – 15:00 | TS. Bùi Văn Nam Sơn: Lí tưởng Đại học Humboldt – Mô hình hay huyền thoại.
|
15:00 – 15:15 | Hỏi và đáp.
|
15:15 – 15:30 | TS. Bùi Trân Phượng: Xây dựng đại học Việt Nam, nỗ lực từ bên dưới.
|
15:30 – 15:45 | PGS.TS. Đoàn Lê Giang: Nghĩ về tinh thần đại học khoa học xã hội và nhân văn.
|
15:45 – 16:00 | Hỏi và đáp.
|
16:00 – 16:10 | Dr. Paul Weinig - đại diện Viện Goethe Tp. Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến; Đại diện Nhà xuất bản và các nhà tài trợ trao tặng sách cho đại diện một số đại học tại địa bàn Thành phố.
|
16:10 – 16:30 | Cảm ơn và bế mạc. |
----------------
Thông tin liên hệ:
Mr. Nguyễn Đức Lộc – Giảng viên Khoa Nhân học
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh
10-12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Ms. Nguyễn Phương Loan – Trưởng ban Truyền thông
Nhà xuất bản Tri thức – 53 Nguyễn Du, Hà Nội