Điểm báo

http://sgtt.vn/Khoa-giao/141023/Cach-mang-trong-khoa-hoc.html
Ngày 02.03.2011, 08:27 (GMT+7)
[Chuyện xưa chuyện nay] Cách mạng trong khoa học
SGTT.VN - Trái với quan niệm thông thường về một sự phát triển của khoa học theo đường thẳng, có tính tích luỹ dần dần và sau cùng hội tụ thành một thể thống nhất, Thomas Kuhn nhìn lịch sử khoa học như là một chuỗi những cuộc cách mạng có tính nhảy vọt.

Minh hoạ: Hồng Nguyên

Cái mới, đến một lúc nào đó, sẽ lật đổ cái cũ, chiếm lĩnh vũ đài, trở thành chuẩn mực, rồi, đến lượt nó, cũng trở thành cũ và sẽ phải nhường chỗ cho cái mới khác thay thế. Mỗi cuộc đảo lộn cơ bản như thế được gọi là sự biến đổi hệ hình. Đồng thời, đó cũng là lịch sử của những hệ hình đối lập nhau và không thể so sánh với nhau được.
Mô hình hai pha
Theo Kuhn, có hai giai đoạn hay hai pha trong một quá trình phát triển khoa học. Pha thứ nhất là những gì các nhà khoa học đang làm. Ông gọi là “khoa học chuẩn mực”. Khoa học chuẩn mực vận hành bên trong một khuôn khổ lý thuyết và phương pháp luận được cộng đồng khoa học chia sẻ và tán đồng (tức trong một “hệ hình”) và xem những điều bất thường hay những dữ kiện phản chứng như là những vấn đề cần giải quyết bên trong hệ hình ấy hơn là những thách thức đe doạ sự ổn định của hệ hình. Hệ hình thường “làm mưa làm gió” trong một thời, như thể đó là chân lý duy nhất không thể bác bỏ. Chẳng hạn, trong thế kỷ 19, hệ hình thống trị trong vật lý học là cơ học của Newton.
Thế rồi, khi nền “khoa học chuẩn mực” ấy đạt tới sự “trưởng thành”, sẽ đến lượt pha thứ hai tung hoành: “khoa học cách mạng”. Khoa học cách mạng diễn ra khi cộng đồng khoa học mất niềm tin vào hệ hình, bởi nó thật sự tỏ ra bất lực trước những thách thức mới, và khi lý thuyết cạnh tranh lại tỏ ra ưu việt hơn, hay ít ra, không gặp quá nhiều vấn đề nan giải như trong hệ hình cũ. Một sự biến đổi hệ hình diễn ra, mà ví dụ điển hình là bước ngoặt từ cơ học Newton sang lý thuyết của Einstein vào nửa đầu thế kỷ 20.
Tóm lại, theo cách nhìn này, khoa học phát triển theo hai giai đoạn. Nó bắt đầu với sự kiên định và kết thúc với sự khủng hoảng hay sụp đổ để chuyển sang một nhãn quan hay một hệ hình mới (Kuhn còn gọi đó là “chuyển giao sự tín nhiệm” hay “trải nghiệm về chuyển đổi”).
Có sự “biến đổi hệ hình” trong triết học?
Mô hình giải thích của Thomas Kuhn, vị giáo sư triết học và lịch sử khoa học nổi tiếng của đại học Harvard, Berkeley và MIT, được thừa nhận rộng rãi trong các ngành khoa học tự nhiên. Thử vận dụng mô hình này vào lịch sử triết học Tây phương, người ta nhận thấy có sự phù hợp khá lý thú. Một “hệ hình” triết học có thể kéo dài nhiều thế kỷ, thậm chí hàng ngàn năm, được xác định từ bốn đặc điểm chính yếu: phạm vi nghiên cứu, đối tượng trung tâm được nghiên cứu trong phạm vi ấy, khởi điểm của sự quan tâm và, sau cùng, câu hỏi xuất phát để từ đó triển khai hệ hình. Căn cứ vào bốn đặc điểm ấy, lịch sử lâu dài của triết học Tây phương được Herbert Schnädelbach quy thành ba hệ hình chủ yếu như là ba cuộc đại cách mạng trong tư duy triết học, theo sơ đồ khái quát sau:
Không chỉ trong chính trị mà cả trong sự phát triển khoa học, cảm nhận về sự bất lực đang có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng chính là tiền đề cho một cuộc cách mạng Thomas Kuhn (1922 – 1996)
Bước sang thế kỷ 21, chưa ai có thể đoán biết được liệu trong các thập niên đầu tiên này có xảy ra một cuộc “biến đổi hệ hình” lần thứ tư trong tư duy triết học hay không. Sự thức tỉnh trước khủng hoảng toàn diện về chất lượng cuộc sống trên phạm vi toàn cầu (từ môi sinh đến kinh tế, từ chính trị, xã hội đến văn hoá…) đang kêu đòi triết học “mang trời xuống trồng dưới đất”. Lĩnh vực đời sống thực hành với đối tượng trung tâm là con người và văn hoá trước câu hỏi xuất phát: “Tôi sống như thế nào” phải chăng đang là những mầm mống cho một sự biến đổi tư duy? Ta nhớ đến nhận định nổi tiếng của Hegel 200 năm trước, rất gần gũi với cách nhìn của Thomas Kuhn ngày nay: “Sự rung chuyển dẫn đến sự sụp đổ chỉ được báo hiệu bằng những triệu chứng riêng lẻ đây đó. Sự thờ ơ và nhàm chán lan tràn trong trật tự hiện tồn, dự cảm mơ hồ về một cái gì chưa được biết đến đều là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy một cái gì khác đang đến gần. Sự đổ vỡ dần dần – lúc đầu chưa làm biến dạng tướng trạng chung của cái toàn bộ – bị cắt đứt đột ngột bởi ánh bình minh mà một tia sáng chớp loé lên kiến lập ngay lập tức hình thể và cấu trúc của thế giới mới” (lời tựa cho quyển Hiện tượng học tinh thần, 1807).
Thách thức của hệ hình tư duy
Các hệ hình khác nhau thể hiện các cách nhìn khác nhau, thường khó có thể so sánh hay hợp nhất với nhau được. Theo Kuhn, đó là vì một sự biến đổi hệ hình không chỉ là sự thay đổi trong lý thuyết khoa học, trong các giả định và yêu sách mà còn trong cách hiểu và định nghĩa khác nhau về các khái niệm trung tâm trong các lý thuyết ấy. Mặt khác, con người không thể đánh giá những sự kiện một cách hoàn toàn khách quan, trái lại, luôn gắn liền với một cách nhìn nhất định nào đó, tức với lý thuyết. Nói cách khác, nhận thức của ta về thế giới mang đậm dấu ấn cách nhìn của ta về thế giới. Chính cách nhìn ấy ảnh hưởng đến sự nhìn nhận sự vật. Do đó, việc nhìn nhận sự vật của ta lúc nào cũng tưởng như đang xác nhận khung lý thuyết truyền thống được ta tin tưởng.
Từ thực tại ấy, chỉ có những cuộc cách mạng tư duy mới có thể giải thoát con người khỏi hệ hình cũ, đưa đến những lý thuyết mới và cách nhìn mới về sự vật. Không phải quá lời khi bảo rằng mọi người đều đã từng là “những nhà cách mạng”, vì những gì con người nhận thức hôm nay là kết quả của những cuộc biến đổi hệ hình trước đây. Nhưng rồi chính thói quen và sự lười biếng tư duy khiến người ta ra sức bảo vệ hệ hình vốn đã thuộc về quá khứ. Một sự biến đổi hệ hình là một tiến trình đau đớn về tinh thần, do đó, không hiếm khi việc biến đổi ấy đi liền với sự thay đổi thế hệ, bởi thế hệ trẻ chưa có “duyên nợ” quá nhiều với một hệ hình nào đó. Thật mỉa mai khi chính những lý thuyết hay ho nhất và được thử thách tốt nhất trong quá khứ lại có thể biến thành chướng ngại vật lớn nhất cho việc tiếp cận sự việc một cách mới mẻ.
(còn tiếp)
Bùi Văn Nam Sơn

Hệ hình
Bản thể học
Tâm thức học
Ngôn ngữ học
Phạm vi
Tồn tại
Ý thức
Ngôn ngữ
Đối tượng
Cái tồn tại
Những biểu tượng
Mệnh đề/diễn ngôn
Khởi điểm
Sự ngạc nhiên
Sự nghi ngờ
Sự lẫn lộn
Câu hỏi xuất phát
Là gì?
Tôi có thể biết gì?
Tôi có thể hiểu gì?
Đại diện tiêu biểu
Platon, Aristoteles…
Descartes, Kant, Hegel…
Wittgenstein, Habermas, Apel
 
------------
http://sgtt.vn/Khoa-giao/137578/Khoa-hoc-phat-trien-nhu-the-nao.html
Khoa học phát triển như thế nào?
Ngày 23.02.2011, 09:47 (GMT+7)

SGTT.VN - Phương pháp diễn dịch – giả thuyết của Karl Popper đã khéo léo tránh được những khó khăn cố hữu của phép suy luận quy nạp và diễn dịch truyền thống (Sài Gòn Tiếp Thị, Thiên nga đen, 16.2.2011).
Tư duy khoa học luận hiện đại ghi công Karl Popper, đồng thời cũng nhận rõ những chỗ còn khiếm khuyết của ông. Câu hỏi về phương pháp luận khoa học sớm biến thành câu hỏi về tính chất và đặc điểm của sự phát triển khoa học. Nói cách khác, khoa học luận có thêm kích thước mới: thời gian và lịch sử.
Khoa học không giống củ hành
Cách nhìn quen thuộc cho rằng sự phát triển và tiến bộ của khoa học là theo đường thẳng (tuyến tính), có tính tích luỹ dần dần những tri thức mới và sau cùng hội tụ thành một lý thuyết thống nhất và toàn bộ. Ít ai có thể phủ nhận mục đích của các nhà khoa học là tìm kiếm những tri thức mới mẻ để bổ sung và tích hợp vào những tri thức đã có. Các lý thuyết đến sau (chẳng hạn học thuyết của Einstein) không chỉ bao quát được nhiều sự kiện hơn, mà còn được cho là đến gần “chân lý” hơn so với các lý thuyết trước đó, và người ta hy vọng rằng một ngày nào đó tất cả sẽ hội tụ thành một “khoa học duy nhất về mọi sự”. Khoa học giống với hình ảnh… một củ hành ngày càng dày thêm hay những cái hộp ở trong một cái hộp!
Paul Feyerabend (1924 – 1994) nghi ngờ và bác bỏ hy vọng “hão huyền” ấy. Lý lẽ chính yếu của ông: lý thuyết sớm hơn không thể được lược quy vào lý thuyết muộn hơn, bởi thường mỗi bên hiểu khác nhau về ý nghĩa của những khái niệm. Chẳng hạn, trong cơ học Newton, các khái niệm về không gian – thời gian nói lên mối quan hệ giữa những đối tượng độc lập với sự vận động của người quan sát và các trường hấp dẫn, ngược hẳn với lý thuyết của Einstein. Do đó, những khái niệm trong lý thuyết này là không thể so sánh được với những khái niệm trong lý thuyết kia. Người ta gọi đó là những khái niệm vô ước (không thể so sánh với nhau), và vì thế, chúng cũng không thể được lược quy vào nhau hay hợp nhất với nhau được.
Thuyết kiểm sai và những vấn đề của nó
Karl Popper, như ta đã thấy, có cái nhìn khác về sự tiến bộ của khoa học. Theo ông, thay vì dựa theo phép quy nạp truyền thống (quan sát sự kiện, đề ra giả thuyết để giải thích rồi tổng quát hoá thành định luật), nhà khoa học bắt đầu bằng việc đề ra các giả thuyết (hay các phỏng định) khác nhau, rồi cố gắng kiểm sai chúng sau khi diễn dịch ra những tiên đoán, những quan sát và những đo đạc, tính toán… Nếu sự phỏng định ấy bị kiểm sai, nó sẽ bị bác bỏ và nhà khoa học đi tìm các giả thuyết khác. Bao lâu chưa bị kinh nghiệm kiểm sai và bác bỏ, nó là một phỏng định chưa bị đánh bại, và được thừa nhận rộng rãi. Khoa học tiến lên bằng cách tích hợp ngày càng nhiều những phỏng định đã đứng vững được trước thử thách và, trong thực tế, là lịch sử của một chuỗi phỏng định và bác bỏ.
Câu hỏi đặt ra: lấy gì để phân biệt giữa khoa học và không phải khoa học? Popper gọi đó là vấn đề phân định ranh giới: khoa học thì có thể kiểm sai được, còn ngược lại thì không phải là khoa học, thế thôi. Những gì không thể kiểm sai có thể là sự mê tín dị đoan, những lý thuyết huyền bí (ví dụ: chiêm tinh học…), hay những giáo điều võ đoán v.v. Ta không phủ nhận sự tồn tại của chúng, chỉ có điều không thể đối xử với chúng như đối xử với các giả thuyết khoa học. Trong cách hiểu ấy, khoa học có tính khiêm tốn, nhưng đồng thời cũng có tính chuẩn mực nghiêm ngặt.
Nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra chung quanh quan niệm mới mẻ của Karl Popper. Bên cạnh việc thừa nhận các ưu điểm nổi bật của nó, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến mấy chỗ còn khiếm khuyết của nó:
– Popper chỉ mới cho biết nhà khoa học đạt được tri thức phản chứng, tức tri thức về những gì không đúng sự thật, như thế nào, nhưng lại không cho biết rõ về tiến trình thu hoạch tri thức tích cực, đúng sự thật, chẳng hạn làm sao biết được rằng mọi vật thể đều đứng yên hoặc sẽ vận động đều theo đường thẳng nếu không có lực tác động nào khác (định luật thứ nhất của Newton).
– Theo mô hình diễn dịch – giả thuyết của Popper, sự diễn dịch luôn đi từ những định luật ở cấp độ cao đến những khẳng định cụ thể của sự quan sát mà không thấy có con đường ngược lại. Nói khác đi, mô hình ấy hầu như chỉ vận hành sau khi đã xây dựng được lý thuyết hay giả thuyết. Nhưng, chắc hẳn nhà khoa học không phải ngay từ đầu đã đi đến ngay được những giả thuyết bằng sự đoán mò, trái lại, luôn phải xuất phát và suy luận từ những gì quan sát được. Diễn trình “quy nạp” ấy diễn ra như thế nào? Rồi sau khi một số phỏng định đã bị bác bỏ và các đề nghị khác ưu việt hơn được đề ra, ắt lại phải thu thập những bằng chứng củng cố cho đề nghị này hay đề nghị kia, để sau cùng, đề nghị tốt nhất sẽ có được vị thế của chân lý (tạm thời) được xác lập. Popper chưa khai triển đầy đủ chi tiết về cả hai giai đoạn: tiền-giả thuyết và hậu – giả thuyết.

  • “Thông thường, nhà khoa học không muốn và không cần trở thành triết gia. Họ sẽ đến với triết học mỗi khi lâm vào khủng hoảng”. Thomas Kuhn
Thomas Kuhn: Biết sai mới không sai
Nhận định phê phán có sức nặng hơn cả đến từ Thomas Kuhn (1922 – 1996), một môn đệ của Popper. Theo Kuhn, hầu hết mọi lý thuyết đều không hoàn chỉnh và đều có thể bị kiểm sai, trong trường hợp đó, chẳng lẽ tất cả chúng đều bị vứt bỏ hết? Sự thật không đơn giản như thế! Trong thực tiễn nghiên cứu khoa học, hiếm khi chỉ vì bị kiểm sai trong một số ít trường hợp mà một lý thuyết bị vứt bỏ. Trái lại, khi một lý thuyết bị kiểm sai, không phải người ta lập tức đi tìm một giả thuyết khác, mà thường xem xét lý do tại sao nó lại bị kiểm sai. Một khi biết rõ lý do, người ta tìm cách điều chỉnh hoặc tìm những giải pháp gần gũi nhất để thay thế, và, kỳ cùng, mới đi đến chỗ vứt bỏ toàn bộ đề án hay cương lĩnh nghiên cứu. Thế nhưng, theo Kuhn, để làm như thế, nhà khoa học lại cần phải biết loại lý thuyết nào có thể phù hợp với sự kiện hơn, so với lý thuyết đã bị kiểm sai. Việc biết ấy đòi hỏi sự kết hợp giữa thủ tục kiểm đúng lẫn kiểm sai hơn là thủ tục kiểm sai đơn độc.
Thomas Kuhn đặt khoa học trong diễn trình phát triển năng động hơn là trong một sơ đồ tĩnh tại. Chính kích thước lịch sử của khoa học giúp ta đến gần hơn với thực tiễn nghiên cứu, nhất là để có thể giải thích được những khủng hoảng và đột biến trong diễn trình ấy. Ta sẽ gặp lại ông trong công trình nổi tiếng Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học (bản tiếng Việt của Chu Lan Đình, NXB Tri Thức, 2008), với khái niệm gây nhiều ảnh hưởng: sự biến đổi hệ hình. (còn tiếp)
Bùi Văn Nam Sơn - Minh hoạ: Hồng Nguyên

-----------
Ngày 21.02.2011, 09:14 (GMT+7)
http://sgtt.vn/Khoa-giao/137462/Nguyen-nhan-viet-sai-nhin-tu-xa-hoi.html
Không gian tiếng Việt
Nguyên nhân viết sai: nhìn từ xã hội

SGTT.VN - Vì sao tình trạng dùng tiếng Việt lộn xộn, tuỳ tiện, bừa bãi hiện nay không hề thuyên giảm mà có chiều hướng gia tăng đáng sợ? Do nhà trường, do sách giáo khoa? Do Nhà nước? Do xã hội? Hay do chính chúng ta?
Chính việc những người có trách nhiệm quản lý, điều hành chưa có chính sách cụ thể bảo vệ chuẩn mực tiếng Việt là nguyên nhân cơ bản tạo ra tình trạng tiếng Việt tuỳ tiện, lộn xộn này.
Nói và viết là hai chuyện khác nhau
Trẻ em được sinh ra và lớn lên trong môi trường ngôn ngữ nào thì tự chúng nói thành thạo ngôn ngữ đó. Nhưng viết lại là chuyện khác. Không học thì không biết viết. Người biết ít nhất một ngoại ngữ thường viết chuẩn hơn những người không biết ngoại ngữ. Con người tư duy qua ngôn ngữ. Học được một ngoại ngữ là biết thêm được cấu trúc của một ngôn ngữ, biết thêm một công cụ thể hiện tư duy. Những người tư duy tốt thường viết chính xác. Học sinh giỏi khoa học tự nhiên thường viết chuẩn mực hơn.
Thời trước học sinh viết đúng hơn. Thế hệ trước, nói chung viết tốt hơn. Mà thời trước nào có nhiều sách tham khảo về tiếng Việt như hiện nay. Trong công trình Từ điển về từ điển (1999), PGS Vũ Quang Hào cho chúng ta biết tới lúc ấy ở Việt Nam đã có 18 từ điển chính tả, 7 từ điển ngữ pháp, 23 từ điển thành ngữ, 10 từ điển tục ngữ, 8 từ điển đồng nghĩa, 6 từ điển trái nghĩa, 7 từ điển giáo khoa, 10 từ điển học sinh, 220 từ điển thuật ngữ, 48 từ điển tiếng Việt.
Vậy thì, vì sao hiện nay xã hội viết sai hơn thời trước và sai quá nhiều? Chắc chắn sách giáo khoa dở không phải là nguyên nhân duy nhất. 

Viết sai nhìn từ phía Nhà nước và công luận
Kinh nghiệm nước ngoài: Người nước ngoài, nhất là Pháp, Anh, Mỹ… rất sợ viết, nói những câu sai. Thời nay, vì có băng ghi âm nên không còn chuyện “khẩu thiệt vô bằng”. Họ lo một lời thất thố, một câu viết sai có thể bị đem ra nhạo báng cả chục năm sau. Sợ viết sai nên người Pháp thường xuyên dùng từ điển khi viết lách. Quan chức càng cao càng thận trọng trong ngôn từ. Thôi thì viết có sách, có từ điển. Bên cạnh việc dùng dư luận xã hội, người ta còn dùng hình thức chế tài với những người nói sai. Theo một bộ luật mới đang được bộ Thông tin truyền thông Nga soạn thảo, “các quan chức và chính trị gia Nga sẽ bị phạt nếu phát âm sai các từ hoặc sử dụng ngôn từ thô lỗ trong các bài trả lời phỏng vấn”. Có điều, luật này khó thực hiện vì “chưa có từ điển nào được dùng làm chuẩn phát âm và khái niệm thế nào là “thô lỗ” cũng chưa được luật pháp quy định” (TT, 2.7.2009).
Chuyện viết đúng sai còn liên quan trực tiếp đến cuộc sống của bạn. Viết sai thì bị loại: “Nhiều thanh niên Nhật thất nghiệp vì viết sai chính tả” (TT, 19.2.2002).
Kinh nghiệm Việt Nam thời xưa: từ xưa xã hội Việt Nam đã không đồng tình với lối dùng tiếng Việt tuỳ tiện, bừa bãi. Những người viết sai thường bị chê cười, phê phán. Trong Phụ san Văn Nghệ số 5.1993, Nguyễn Đức Bính kể lại chuyện sau: Hồi đó báo chí bị kiểm soát rất gắt gao, khó lòng nói được những gì muốn nói. Nhân có một “cụ nghè” viết một bài công kích cộng sản, Ngô Tất Tố xem bài ấy, lấy làm giận lắm, bèn tìm cách sửa người ấy một mẻ. Sau khi tìm được một vài câu văn bất thông trong bài đó, Ngô tiên sinh liền viết một bài chỉ ra những chỗ văn dốt trong bài này rồi buộc tội “cụ nghè” âm mưu phá hoại quốc văn và bôi nhọ đạo Khổng. Ông ví “cụ nghè” như thầy đề trong truyện tiếu lâm sau: Viên tri huyện cử thầy đề đi tịch ký nhà một người bị án. Thầy đề, theo luật lệ, lập biên bản ghi tất cả những tài sản của nhà này. Còn lại một cái váy nâu đàn bà, thầy đề nghĩ mãi không biết ghi bằng chữ gì. Cuối cùng thầy nảy ra một ý: cái váy nâu ở địa phương này người ta gọi là cái “xống nâu”. Thầy đoán rằng tại người ta đọc chệch chứ thật sự phải là cái “sống lâu”. Thầy đề bèn hạ bút đặt tên cho chiếc váy nâu là “thọ nhất bức”. Ngô Tất Tố kết luận rằng học lực của cụ nghè cũng xấp xỉ học lực của thầy đề. Bài công kích cộng sản của “cụ nghè” làm sao có giá trị được nữa!
Thời nay: Từng có người định dùng chế tài để hạn chế nạn dùng sai tiếng Việt. Theo tin từ TT, 28.12.2004, giám đốc Điện lực Đà Nẵng Lê Thanh Minh đã mạnh dạn ra quyết định phạt công chức trong ngành viết sai tiếng Việt. Không rõ quyết định này có được thực thi không. Nếu ở đâu cũng có vài ba giám đốc như vậy, hoặc lý tưởng hơn nữa nếu người đứng đầu tỉnh với nhận thức xả ngôn từ bậy bạ, làm hỏng tiếng Việt cũng là một hành vi chống lại cộng đồng, dám ra quyết định xử phạt những ai “xả rác” ngôn từ ra xã hội thì nạn viết sai tiếng Việt chắc chắn giảm đi nhiều.
Không đưa tiêu chí “có khả năng dùng chuẩn mực tiếng Việt” vào việc thi tuyển công chức, đề bạt cán bộ nên viết sai không chút trọng lượng gì trên con đường quan chức. Kết quả là lời kêu gọi giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày nào chỉ dừng lại ở lời kêu gọi. Nhà nước cần có những chính sách thích đáng, cụ thể để hạn chế những người dùng không chuẩn mực tiếng Việt trong cơ quan công quyền. Hãy đưa việc viết đúng tiếng Việt thành tiêu chí tối thiểu trong việc xét tuyển công chức và đề bạt cán bộ.
GS.TS Nguyễn Đức Dân - Minh hoạ: Hồng Nguyên